PHƯƠNG PHÁP SỬA LỖI

PHƯƠNG PHÁP SỬA LỖI

PHƯƠNG PHÁP SỬA LỖI  

Phương pháp sửa lỗi chương 2 LIỄU PHÀM TỨ HUẤN : Các quan đại phu thời Xuân Thu nhìn thấy lời nói cử chỉ của một người thì đoán biết được họa phước của họ, thường rất ứng nghiệm. Có thể xem thấy những việc này trong sách Tả Truyện, Quốc Ngữ. Đa số điềm báo của cát hung đều khởi lên từ tâm rồi biểu hiện ra lời nói và việc làm. Những người nhân hậu rộng lượng thường được phước, những người hẹp hòi khắt khe thường gặp tai họa. Mắt phàm tục không nhận rõ nên nói họa phước không nhất định, không thể dự đoán trước được. Tâm chí thành hợp với lòng trời, khi thấy người tâm hạnh thiện lương thì biết trước phước của họ sắp đến, khi thấy người tâm hạnh bất thiện thì biết trước họ sắp gặp họa. Nay muốn được phước lành, tránh xa tai họa thì đừng vội bàn đến việc hành thiện mà hãy sửa đổi lỗi lầm trước. Nhưng muốn sửa lỗi, thứ nhất là phải phát tâm hổ thẹn. Hãy nghĩ các vị thánh hiền thời xưa đều là trượng phu như ta, nhưng các ngài có thể làm bậc thầy của muôn đời, còn ta vì sao cả đời chỉ như gạch vụn vô dụng, mê đắm trần tình, lén lút làm những việc bất nghĩa, còn cho rằng không ai biết, ngạo mạn không chút hổ thẹn, ngày càng trầm luận vào đường cầm thú mà không hề hay biết. Trên thế gian không có việc gì đáng nhục nhã hổ thẹn bằng việc này. Mạnh tử nói: “Việc quan trọng nhất của một người là biết hổ thẹn!” Biết hổ thẹn sửa lỗi thì sẽ trở thành thánh hiền, còn không biết hổ thẹn sửa lỗi thì chẳng khác gì cầm thú. Đây là chỗ then chốt của việc sửa lỗi. Thứ hai là phải phát tâm kính sợ. Trời đất ở trên soi thấu, khó lừa dối được quỷ thần. Dù người đời không thấy tội lỗi của chúng ta nhưng thiên địa quỷ thần lại thấy rõ ràng tường tận. Tội nặng sẽ rước lấy mọi tai họa, tội nhẹ thì bị tổn giảm phước phần hiện có, ta làm sao không lo sợ cho được? Không chỉ như vậy, dù ở trong phòng tối, nhưng hành vi của ta đều bị thần minh dùng mắt nhìn, dùng tay chỉ; dù cố che giấu thật kín đáo, cố che đậy thật khéo léo, nhưng ý muốn và mong cầu trong lòng sớm đã lộ ra ngoài rồi, rốt cuộc cũng khó dối được lòng mình. Một khi bị người phát hiện thì chẳng đáng một xu. Làm sao có thể không cung kính dè dặt cho được? Không những như vậy, chỉ cần hơi thở còn chưa dứt, dù tội ác nặng đến đâu thì vẫn có thể sám hối Trước đây có người cả đời tạo ác, đến khi lâm chung mới tỉnh ngộ, ăn năn, khởi lên một niệm thiện liền được an lành qua đời. Bởi vì một niệm dũng mãnh khẩn thiết cũng đủ để gột sạch tội ác trong suốt trăm năm. Ví như hang tối ngàn năm, vừa thắp lên một ngọn đèn thì bóng tối ngàn năm liền tan biến. Cho nên, tội lỗi bất luận là lâu hay mới, chỉcần sửa được là quý. Nhưng thế gian vô thường, thân xác thịt này dễ mất, một khi hơi thở không còn thì muốn sửa cũng không kịp nữa. Trên dương gian phải chịu tiếng xấu trăm ngàn năm, dù có con hiếu cháu hiền cũng không thể rửa sạch. Dưới cõi âm thì bị trầm luân trăm ngàn kiếp trong địa ngục, dù thánh hiền, Phật Bồ-tát cũng không thể cứu giúp. Sao không lo sợ cho được? Thứ ba là phải phát tâm dũng mãnh. Người đời không thể sửa lỗi, phần nhiều là do chần chừ do dự. Ta nhất định phải phấn chấn mạnh mẽ vươn lên, không được chần chừ, không được chờ đợi. Lỗi nhỏ xem như gai đâm vào thịt, phải nhanh chóng nhổ ra. Lỗi lớn xem như rắn độc cắn ngón tay, phải lập tức chặt bỏ không chút do dự. Mạnh mẽ dứt khoát như quẻ Phong Lôi thì sẽ thành công. Nếu có đủ ba thứ tâm này thì lỗi lầm đều sửa đổi được. Giống như băng mùa xuân gặp ánh mặt trời, lo gì không tan chảy? Tuy nhiên lỗi lầm của con người có thể sửa từ trên sự tướng, có thể  sửa từ trên đạo lý, cũng có thể sửa từ trên tâm niệm. Do phương pháp khác nhau nên hiệu quả cũng khác nhau. Ví dụ trước đây phạm lỗi sát sanh, nay giữ giới không sát sanh; hoặc trước đây hay nóng giận, nay cố ngăn giữ không cho nóng giận, đây chính là sửatừ trên sự tướng. Sửa như vậy chỉ là miễn cưỡng kiềm chế bên ngoài nên vô cùng khó khăn, hơn nữa gốc bệnh của nó vẫn còn, thế nên tội này hết tội kialiền sanh. Đây không phải là phương pháp rốt ráo để trừ tận gốc lỗi lầm. Người biết sửa lỗi thì trước khi ngăn ngừa mình phạm một lỗi nào đó, phải hiểu rõ đạo lý  tại sao ta không nên làm. Ví dụ phạm lỗi sát sanh, hãy thường nghĩ rằng: Ông trời có đức hiếu sanh, muôn loài đều yêu tiếc sanh mạng, nay giết chúng để nuôi dưỡng thân mình, lòng ta có thể an ổn được sao? Hơn nữa loài vật bị giết, khi bị cắt  cổ, nhổ lông, rồi lại bị bỏ vào nồi nấu nướng chiên xào, muôn vàn thống khổ, đau đớn thấu tận xương tủy. Ta ăn chúng để nuôi thân, nhưng dù có bày ra trăm món ngon vật lạ, khi qua khỏi cửa miệng cũng chẳng còn gì nữa. Cơm chay đạm bạc cũng đủ no bụng, vì sao phải giết hại chúng sanh khiến phước báo của mình bị tổn giảm? Lại nghĩ, phàm là những loài có khí huyết thì đều có tánh linh, mà đã có tánh linh thì đều cùng một thể với ta. Nay ta chưa thể tu tới mức đạo đức cao thượng, khiến chúng tôn kính ta, gần gũi ta, vậy thì làm sao có thể hằng ngày sát hại chúng khiến chúng mãi mãi oán hận, căm thù ta? Vừa nghĩ như vậy ắt sẽ sanh lòng thương xót những loài vật đó, chẳng thể nuốt trôi qua cô. Ví dụ trước đây hay nổi nóng thì nên nghĩ rằng: Ai cũng có khuyết điểm, xét về tình thì ta nên thương xót họ mới đúng. Nếu họ vô lý mạo phạm ta là lỗi của họ, liên quan gì đến ta? Cho nên, không có gì đáng để nổi giận. Lại nghĩ rằng, trong thiên hạ chẳng ai dám tự cho mình là bậc hào kiệt, cũng không có học vấn nào dạy ta oán trách người khác. Sự việc không thành đều là do ta chưa tu dưỡng tốt đức hạnh của mình nên không cảm động được người khác, ta phải quay lại phản tỉnh chính mình. Khi gặp phải sự hủy báng thì đều xem như cơ hội để mài giũa ta thành ngọc quý, nên ta phải hoan hỷ đón nhận, làm sao có thể sân giận được? Lại nữa, nếu ta nghe lời phỉ báng mà không nổi giận, dù lời phỉ báng có ngang ngược ngất trời thì cũng chỉ như châm lửa đốt hư không mà thôi, cuối cùng lửa sẽ tự tắt. Nếu nghe lời phỉ báng mà nổi giận thì dù có khôn ngoan xảo biện đến đâu cũng chỉ như tằm xuân nhả tơ làm kén, tự trói buộc chính mình. Nóng giận chẳng những vô ích mà còn gây hại nữa. Đối với những lỗi lầm khác thì đều nên y theo đạo lý này mà suy xét. Sáng tỏ đạo lý rồi thì tự nhiên sẽ không phạm lỗi lầm. Thế nào là sửa từ trong tâm. Mặc dù lỗi lầm nhiều vô số, nhưng đều do tâm tạo ra. Nếu tâm ta bất động thì lỗi lầm từ đâu sinh ra? Người tu học mắc những lỗi lầm như ham sắc, ham danh, ham tài vật, ưa sân giận. Mọi lỗi lầm, không cần phải sửa từng điều một, chỉ cần nhất tâm hướng thiện, chánh niệm hiện tiền thì tà niệm tự nhiên không ô nhiễm được. Như mặt trời rực sáng giữa hư không, yêu ma quỷ quái thảy đều lẩn trốn hết. Đây là phương pháp sửa lỗi chân truyền tinh thuần duy nhất. Lỗi do tâm tạo cũng từ nơi tâm mà sửa. Như chặt cây độc, chỉ cần trực tiếp chặt tận gốc rễ của nó, đâu cần phải chặt từng cành, bẻ từng lá. Phương pháp sửa lỗi cao minh nhất là trị tâm, khiến tâm luôn luôn thanh tịnh. Khi tà niệm vừa khởi liền phát giác, ngay đó tà niệm sẽ không còn nữa. Nếu chưa thể làm được như vậy thì nên dùng phương pháp hiểu rõ lý để trừ bỏ tà niệm. Nếu sửa theo lý cũng không làm được thì nên sửa theo sự để ngăn chặn tà niệm. Dùng cách sửa đổi tâm đồng thời kèm theo những phương pháp còn lại, như vậy không có gì sai lầm. Nếu chỉ chấp vào những phương pháp kém hiệu quả mà không biết đến phương pháp vượt trội hơn thì thật là khờ dại. Nhưng phát nguyện sửa lỗi thì chỗ sáng cần có bạn tốt nhắc nhở, chỗ tối cần quỷ thần chứng minh, phải hết lòng sám hối, ngày đêm không giải đãi. Trải qua bảy ngày, mười bốn ngày, cho đến một tháng, hai tháng, ba tháng, nhất định sẽ thấy hiệu nghiệm. Hoặc cảm  thấy tâm an vui, rộng mở; hoặc cảm thấy trí tuệ bỗng khai mở; hoặc khi gặp những việc phiền nhiễu rối ren nhưng trong tâm đều sáng suốt; hoặc khi gặp kẻ oán thù, tâm không sân giận mà lại hoan hỷ; hoặc mộng thấy nôn ra những thứ màu đen; hoặc mộng thấy các bậc cổ thánh tiên hiền đến dìu dắt tiếp dẫn; hoặc mộng thấy bay lượn, dạo chơi trên hư không; hoặc mộng thấy tràng phan bảo cái. Những việc tốt như vậy đều là những điềm báo tội chướng đã được tiêu trừ. Nhưng cũng không được bám chấp vào đó mà sanh tâm kiêu ngạo tự phụ, như vậy sẽ ngăn cản khiến ta không tiến bộ được. Xưa có ông Cừ Bá Ngọc, năm 20 tuổi đã biết xét lại những lỗi lầm trước đây của mình và sửa đổi tất cả. Đến năm 21 tuổi ông mới biết những lỗi lầm trước đây vẫn chưa sửa hết. Năm 22 tuổi nhìn lại năm 21 tuổi vẫn giống như ở trong mộng [hồ đồ phạm lỗi]. Năm này qua năm khác, ông vẫn kiên trì sửa đổi, đến năm 50 tuổi ông vẫn thấy những lỗi lầm trong 49 năm trước. Người xưa học sửa lỗi như vậy. Chúng ta đều là kẻ phàm phu, tội lỗi đầy rẫy như lông nhím, nhưng khi nhìn lại những việc đã qua lại thường chẳng thấy mình có lỗi lầm gì, bởi tâm ý qua loa nên mắt bị che mờ. Song người có tội ác quá sâu nặng cũng có điềm báo, như tinh thần u ám, bế tắc, nói trước quên sau; hoặc không có chuyện gì mà thường sanh phiền não; hoặc gặp bậc hiền nhân quân tử lại thấy hổ thẹn buồn chán; hoặc nghe những lời bàn luận chân chánh nhưng lại không vui thích; hoặc giúp người nhưng lại bị người oán trách; hoặc đêm ngủ gặp ác mộng. Thậm chí nói năng lung tung, thần chí bất thường. Tất cả những điều này đều là biểu hiện của việc làm ác. Nếu có một trong những biểu hiện như thế thì phải phát tâm mạnh mẽ, sửa lỗi làm mới, mong mọi người đừng tự gạt mình.( Nghe truyện trên youtube )(trang chủ)

Phương pháp sửa lỗi – đạo giữa đời thường ( chương 2 LIỄU PHÀM TỨ HUẤN)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo